Khi chiêm đóan Tử-Vi, thường ít chú trọng đến cung Nô Bộc, vì cung này không được coi là cường cung. Khi luận đóan về công danh, sự nghiệp, uy quyền của một người, thì rất cần chú trọng tới cung Nô.
1- Trường hợp cung Nô tốt hơn cung Mệnh
Trước hết, xem cung Nô phải phối hợp với các cung Huynh-Đệ, Tử-Tức và Phụ-Mẫu chiếu về.
Không thể ham cung Nô qúa tốt nếu mình muốn làm lớn, tối kị cung Nô có cách Tử Phủ Vũ Tướng (dù hãm địa), nhất là khi có thêm trung tinh quần tụ, vì ít khi Mệnh của mình có cách trội hơn.
2- Trường hợp cung Nô xấu, nhưng cung Mệnh tốt
Trong trường hợp này các nhà Tử-Vi thường gọi là “hữu tướng vô quân” (có tướng mà không quân) và cũng cho rằng như thế là công danh bất hiển, giống như cách “hữu quân vô tướng”. Nghiệm thấy rằng trong trường hợp này không thể quyết đóan một cách máy móc như thế được, sẽ bị lầm lẫn khi theo quy tắc đó.
Đối với những người hành nghề chuyên môn, thường thường không cần phải cung Nô tốt (lẽ dĩ nhiên tốt vẫn hơn những người dưới quyền đâu cần nhiều và đâu cần tài ba lỗi lạc, nếu họ có kém cỏi hay lưu manh chăng nữa thì mình cũng chỉ bực mình và phải thận trọng thôi, chứ sự nghiệp đâu có bị ảnh hưởng trực tiếp). Tuy nhiên những người hành nghề chuyên môn muốn có địa vị cao trong chính quyền, nếu có cung Nô xấu, chỉ nên đeo đuổi nghề của mình mới mong vững bền và giàu có. Và do đó trường hợp “hữu tướng vô quân” sẽ rất ứng nghiệm đối với những người đeo đuổi chức phận cao trong chính quyền, nhất là về phương diện quân sự và chính trị. Lá số của một số sĩ quan “ngồi chơi xơi nước” chỉ có hai ba người lính dưới quyền và chẳng có ai nể vì, lại hay lên lon cũng chỉ vì bị cách “hữu tướng vô quân”.
3- Tương quan giữa các sao của Cung Nô và các sao Cung Mệnh
Trong hai phần (1) và (2) nêu trên đây, nêu ra vấn đề xấu tốt của cung Nô và cung Mệnh, còn trong phần này bàn đến sự “ăn khớp” giữa các sao của cung Nô và các sao của cung Mệnh, một điểm không kém phần quan trọng.
Thí dụ : Một người Mệnh có Khôi Việt, Xương Khúc, Quan Phúc, Hóa Khoa, Tấu Thư, tức là có năng khiếu về văn chương, có tâm hồn thi sĩ … nếu cung Nô có: Không Kiếp, Hỏa Linh, Kình Đà, Sát Phá Tham thì làm sao mà thầy trò có thể hòa hợp, ăn ý với nhau, vì lọai người dưới quyền này chỉ thích đâm chém, du đãng, trộm cắp … Ngược lại cũng vậy, một người Mệnh có các sao này chỉ thích buôn lậu lớn (thí dụ như Nhật-Nguyệt hãm địa hội Không Kiếp, Tả Hữu chẳng hạn) mà cung Nô có tòan sao hiền lành như Quan Phúc, Thai Tọa, Bộ Tứ Đức, Hóa Khoa … thì làm sao có thể thực hiện được khuynh hướng của mình, và nếu xoay sang chiều hướng khác thì nhất định là kém, thất bại dễ dàng. Do đó nếu có sự “tréo cẳng ngỗng” giữa Nô & Mệnh như vậy thì đương nhiên công danh, sự nghiệp (lương thiện cũng như bất hợp pháp) khó đạt được.
Tuy nhiên, những trường hợp “ngược” như trên không có nhiều. Nghiệm thấy các cung trong một lá số thường có một cách bố cục rất ăn khớp với nhau, vì nếu các sao không có môi trường để họat động theo cương vị của mình, thì làm sao mà đóan được đường hướng, sự nghiệp của một đời người.
4- Tương quan Ngũ hành các sao thuộc Cung Nô và của Cung Nô với Ngũ Hành của bản Mệnh.
Khi xét đến cung Nô, nếu chỉ lưu tâm đến những sao tốt, xấu thì vẫn chưa được chính xác, vì cũng một sao nếu sinh được bản Mệnh của mình thì khác hẳn với trường hợp khắc bản Mệnh mình hay được bản Mệnh mình sinh. Có một lần tình cờ tôi được hai lá số khác nhau về năm, tháng, ngày, giờ nhưng các cung lại có các sao được bố cục gần như giống nhau. Đây tôi chỉ nói về cung Nô. Tôi hãy còn nhớ một người Mạng Hỏa và một người mạng Mộc. Hai người khả năng gần như ngang nhau, nhưng người mạng Mộc chức vụ cao hơn nhiều và có uy quyền. Thật tôi không ngờ chỉ vì một yếu tố Ngũ Hành mà công danh chênh lệch như thế. Cung Nô của hai người cùng có Thiên Đồng & Thái Âm (thuộc Thủy), do đó chỉ có người mạng Mộc được hưởng hai sao đó. Ngòai ra thường thường Thái-Âm hay Thái-Dương chiếu Nô thì người dưới không trung thành, đói thì tìm đến, no thì bỏ đi . Sách có nói là cách “ cơ lai bão khứ” và :
Con em xa khứ xa hòan
Bởi vì Nhật Nguyệt đóng miền Nô cung
Nhưng đối với người mạng Hỏa thì đúng, còn đối với người mạng Mộc thì người đó cho tôi biết là đàn em của ông ta chỉ thay đổi nhiều vì bị thuyên chuyển, chứ không hề vì chán ghét đàn anh và bất cứ người nào tới cũng đều phục vụ ông ta hết mình.
A- Bản Mạng khắc sao (chỉ nên nói chính tinh) cung Nô.
Người coi Tử-Vi đều e ngại mệnh khắc sao, nhưng thực ra riêng đối với trường hợp cung Nô thì như thế lại cũng hay, vì mình dễ sai khiến được người dưới quyền, dễ làm chủ tình hình, ít khi bị làm bù nhìn, nhất là khi mệnh mình lại tốt hơn. Nghiệm thấy ngay cả trường hợp mệnh ngang với Nô mà vẫn còn uy quyền thực sự đối với người dưới quyền, khi mạng mình khắc các sao cung Nô.
Tuy nhiên, nếu được các sao cung Nô sinh mạng mình vẫn tốt hơn nhiều, vì bao giờ người dưới quyền tự ý phục vụ mình cũng hay hơn là sợ hãi mình mà thi hành chỉ thị của mình.
B- Bản Mạng sinh sao cung Nô (sinh xuất)
Gặp trường hợp này gần như chắc chắn là bất lợi cho mình, trừ khi mệnh mình có các sao trội hơn nhiều, vì không còn gì nhu nhược cho bằng người trên cứ phải làm theo ý muốn của người dưới quyền, phải chìu lụy họ. Tệ bại nhất là nếu cung Nô có thêm Hóa Quyền, thì thực mình chỉ là tôi tớ cho người dưới quyền, nếu có Song Lộc tức là mình bợ đỡ họ chỉ vì tiền. Còn gặp trường hợp mệnh mình trội hơn nhiều và có thêm các sao cứng rắn, uy quyền (như Tử Phủ Vũ Tướng, Sát Phá Tham Vũ hội Khoa Quyền Lộc … ) thì hết bất lợi, vì như thế tức là mình giúp đỡ được cho đàn em hữu hiệu khiến cho họ trở lên người khá giả thêm tài năng (nhất là trong trường hợp cung Nô có các sao như Long Phượng, Quang Qúy, Xương Khúc, Thanh Long ….) nhưng dù sao mình cũng phải mất mát về tiền bạc, thời giờ, tinh thần khá nhiều .
C- Bản Mạng hòa với các sao cung Nô
Trường hợp này hòan tòan bị chi phối bởi các sao cung Nô và các sao cung Mệnh. Nếu Nô tốt hơn mình khó chỉ huy và Nếu Mệnh tốt hơn là mình có quyền uy. Còn hai cung tương đương thì hai bên đều làm việc theo bổn phận và trách nhiệm.
5- Các chính tinh tại cung Nô nên đắc địa hay hãm địa ?
Cụ Song An Đỗ Văn Lưu, tác giả cuốn Tử-Vi Chỉ Nam, khi còn sinh tiền có cho biết rằng các chính tinh (không cần xét tới trung hay bàng tinh) tại cung Nô cần hãm địa hơn là đắc địa, vì người dưới giỏi hơn cấp trên không hay. Chính trong cuốn Tử-Vi của Cụ cũng có nêu ra như vậy. Nhưng theo kinh nghiệm của một số nhà Tử-Vi thì không hẳn phải như vậy mới hay, vì không bao giờ chỉ xét riêng cung Nô mà không so sánh với cung Mệnh. Thực thế, nghiệm thấy rằng khi Mệnh có thượng cách (thí dụ như Tử Phủ Vũ Tướng đắc địa hội các trung tinh Long Phượng, Quang Qúy, Khôi Việt, Thai Tọa, Tả Hữu ….) thì rất cần có cung Nô hội các sao đắc địa, ngòai các yếu tố khác. Có được như vậy thì người dưới quyền mới nhiều khả năng, đắc lực, phục vụ hữu hiệu cho cung Mệnh, nếu không thượng cách của cung Mệnh sẽ không có môi trường họat động. Hơn nữa, nếu được các chính tinh cung Nô sinh bản Mệnh thì cần đắc địa, để cho các tài năng của người dưới hòan tòan được sử dụng cho cấp trên.
Như vậy không có nghĩa là phủ nhận hòan tòan ý kiến của Cụ Song An Đỗ Văn Lưu. Lẽ dĩ nhiên khi Mệnh không được trội mấy thì cung Nô cần có các chinh tinh hãm địa hay bị Tuần Triệt án ngữ để bớt sự lấn áp cấp trên.
Thí dụ Mệnh có Cơ Nguyệt Đồng Lương đắc địa mà cung Nô có cách Sát Phá Tham Vũ thì rất cần các sao này hãm địa để có sự tương xứng (vì cách Sát Phá Tham Vũ coi như mạnh hơn cách Cơ Nguyệt Đồng Lương ). Nhưng theo kinh nghiệm thấy có điều bất lợi là người dưới quyền thường thiếu khả năng hay làm hỏng việc, nhất là trong trường hợp liên quan đến kỹ thuật, chuyên môn. Vì người dưới không làm tròn bổn phận và ít khi tuyển dụng được người đúng với công việc đòi hỏi.
6- Vị trí cung Nô
Trường hợp này rất hiếm có và rất tốt, lá số có trường hợp cung Nô nằm đúng vào cung tuổi của mình, ví dụ như tuổi Dậu mà có cung Nô ở cung Dậu. Có thể nói là bất cứ ai có cung Nô ở vị trí như vậy, đều có công danh và có nhiều người dưới quyền đắc lực, vẫn biết còn tùy theo nhiều yếu tố khác nữa kèm theo. Nhưng quan niệm rằng khi đã có cung Nô nằm đúng ngay cung tuổi của mình, thì gần như chắc chắn các yếu tố khác được bố cục thuận lợi cho mình, ít nhất là về phương diện công danh, uy quyền. Ngòai ra, riêng về tuổi Dậu này, cung Nô lại chiếu về (Nhị-Hợp) cung Mệnh (ở Thìn) cho nên còn làm tăng thêm sự phục vụ đắc lực, và còn có tình thương mến, kính trọng cấp trên.
Lưu ý không phải cứ cung Nô ở ngay cung tuổi mình, là đều chiếu mệnh nhị hợp (phải như trường hợp ví dụ trên mới ứng hợp)
========================
Hà Ngọc
Phải so sánh kỹ lưỡng cung Mệnh và cung Nô, vấn đề Ngũ Hành giữa cung Nô và bản Mệnh trước khi xét đến ý nghĩa các cách và các sao, có như thế mới khỏi bị sai lạc nhiều về công danh sự nghiệp của một người chiêm số.