Phương Vị: Bắc Đẩu Tinh
Tính: Âm
Hành: Thủy
Loại: Phúc Tinh, Phú Tinh
Đặc Tính: Điền trạch, tiền bạc, đôi mắt, mẹ, vợ
Tên gọi tắt thường gặp: Nguyệt
Một trong 14 Chính Tinh. Sao thứ 2 trong 8 sao thuộc chòm sao Thiên Phủ theo thứ tự: Thiên Phủ, Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân.
Vị Trí Ở Các Cung
- Miếu địa: Cung Dậu, Tuất, Hợi.
- Vượng địa: Cung Thân, Tý.
- Đắc địa: Cung Sửu, Mùi.
- Hãm địa: Cung Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Mệnh
Tướng Mạo
Cung Mệnh có Thái Âm miếu, vượng hay đắc địa thì thân hình to lớn, cao, da trắng, mặt tròn, mắt sáng. Còn Thái Âm hãm địa thì thân hình nhỏ, hơi cao, mặt dài, mắt kém.
Tính Tình
- Thái Âm ở các cung miếu địa, vượng địa, đắc địa là người thông minh, hòa nhã, từ tâm, thích văn chương, mỹ thuật.
- Thái Âm ở cung hãm địa là người có tính ương ngạnh, từ thiện, không tham danh lợi.
Công Danh Tài Lộc
Thái Âm là phú tinh nên có nhiều ý nghĩa tài lộc nhất. Nếu đắc địa, vượng địa và miếu địa, và tùy sự hội chiếu với Thái Dương và cát tinh khác, người có Thái Âm sáng sẽ có:
- Dồi dào tiền bạc, điền sản.
- Có khoa bảng cao, hay ít ra rất lịch lãm, biết nhiều.
- Có danh tiếng, quý hiển.
Thái Âm đóng ở cung Tài, hay Điền thì tốt nhất. Thái Âm sáng mà bị Tuần Triệt coi như bị hãm địa, trừ phi ở Sửu Mùi thì tốt.
Nếu hãm địa, thì:
- Công danh, trắc trở, không quý hiển được.
- Lập nghiệp phương xa, bôn ba.
- Khoa bảng dở dang.
- Bất đắc chí.
- Khó kiếm tiền, nghèo khổ, vất vả.
Các trường hợp này cũng xảy ra nếu Thái Âm miếu, vượng hay đắc địa mà gặp nhiều sao mờ ám, nhất là sát tinh Riêu, Đà, Kỵ, Hình.
Nếu Nguyệt hãm địa ở cung Âm thì cũng hưởng được lợi ích của luật âm tương hợp: Tuy không quý hiển nhưng cũng đủ ăn và ít phiền muộn. Nếu được nhiều cát tinh hội chiếu, thì sẽ được quý hiển, có danh vọng, tài lộc.
Cũng như đối với Thái Dương, Thái Âm ở Sửu Mùi gặp Tuần Triệt án ngữ, thêm Hóa Kỵ càng hay, sẽ được vừa phú, vừa quý như được miếu địa. Tại hai cung này, Thái Âm còn sáng hơn cả Thái Dương đồng cung, vì tọa thủ nơi cung Âm hợp vị. Danh tài càng về già càng hiển đạt vì Thái Âm sáng ăn về hậu vận.
Phúc Thọ Tai Họa
Tai nạn và bệnh tật xảy ra đối với các trường hợp Thái Âm hãm địa hoặc Thái Âm gặp các sao như Kình, Đà, Không, Kiếp, Riêu, Hình, Kỵ bị tật về mắt hay chân tay, đau bụng, gặp tai họa khủng khiếp, yểu tử, hoặc phải bỏ làng tha hương lập nghiệp mới sống lâu được. Riêng phái nữ còn chịu thêm bất hạnh về gia đạo như muộn gia đình, lấy kế, lấy lẽ, cô đơn, khắc chồng, xa cha mẹ.
Những Bộ Sao Tốt
- Thái Âm và Thái Dương.
- Thái Âm sáng gặp Lộc Tồn: Rất giàu có, triệu phú. Trong trường hợp này, Thái Âm có giá trị như sao Vũ Khúc sáng sủa, chủ về tài lộc.
- Thái Âm đắc địa gặp Hóa Kỵ: Càng rực rỡ thêm.
- Thái Âm sáng gặp Tam Hóa: Rất tốt đẹp, vừa giàu, vừa sang, vừa có khoa bảng.
- Thái Âm sáng gặp Xương Khúc: Rất thông minh, lịch duyệt, từng trải, lịch lãm, tài hoa.
- Thái Âm sáng gặp Tứ Linh (Long, Phượng, Hổ, Cái): Hiển hách.
- Thái Âm, Thiên Đồng gặp Kình ở Ngọ: Rất có nhiều uy quyền.
- Thái Âm sáng gặp Đào, Hồng: Rất phương phi, đẹp đẽ, được người khác phải mến chuộng tôn thờ. Đây là bộ sao của minh tinh, tài tử nổi danh. Tuy nhiên, bộ sao này có thể có nhiều bất lợi về tình duyên, có thể đưa đến sự sa ngã, trụy lạc, lăng loàn.
Những Bộ Sao Xấu
- Thái Âm hãm gặp tam ám (Riêu, Đà, Kỵ): Bất hiển, bị tật mắt, lao khổ, nghèo, họa vô đơn chí, hao tài, bị tai họa liên tiếp, ly tán, bệnh hoạn triền miên. Phụ nữ có thể hiếm con.
- Thái Âm hãm gặp sát tinh: Lang thang nay đây mai đó, lao khổ.
- Thái Âm hãm gặp Tam Không: Phú quý nhưng không bền.
- Thái Âm Thiên Đồng ở Tý gặp Hổ Khốc Riêu Tang: Người nữ có sắc đẹp nhưng bạc mệnh, đa truân, suốt đời phải khóc chồng, góa bụa.
Ngoài những bộ sao tốt xấu nói trên, cung Mệnh có Nhật sáng sủa tọa thủ rất tốt, nhưng còn kém hơn cung Mệnh được Nhật sáng sủa hội chiếu với Nguyệt. Nếu giáp Nhật, Nguyệt sáng cũng phú hay quý.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Phụ Mẫu
- Thái Dương, Thái Âm đều sáng sủa: Cha mẹ sống thọ.
- Thái Dương, Thái Âm gặp Tuần Triệt: Cha mẹ mất sớm, có sự chắp nối, hoặc mình không ở gần.
- Thái Âm, Thiên Đồng đồng cung: Cha mẹ khá giả, nhưng hay bất hòa, khắc khẩu, không được ở gần một trong hai người.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Phúc Đức
- Thái Âm ở cung Dậu, Tuất, Hợi: Được hưởng phúc trọn đời, sung sướng và sống lâu. Trong họ có nhiều người quý hiển và giàu sang.
- Thái Âm ở cung Mão, Thìn, Tỵ: Phúc đức rất kém, tuổi thọ bị giảm, mồ côi, hoặc phải ở nhờ nơi người thân, cha mẹ xa cách, chắp nối, lại hay đau bệnh, nghèo nàn, có nhiều sự khổ tâm, làm ăn chật vật, túng thiếu. Số phải ly hương. Trong gia tộc có người cô đơn, nghèo, làm nghề cực nhọc, tha phương cầu thực, duyên nợ vất vả, hay đau yếu, có tật nguyền, hoặc hay gặp tai nạn. Người nữ, con gái vất vả về chồng con.
- Thái Âm, Thiên Đồng đồng cung: Được hưởng phúc, sống lâu. Họ hàng danh giá. Nên lập nghiệp ở xa quê hương bản quán.
- Nhật Nguyệt đồng cung: Được hưởng phúc, nhưng phải ly hương, vất vả một thời gian mới yên ổn. Họ hàng khá giả, nhưng ly tán.
- Thái Âm, Thiên Cơ đồng cung tại Dần: Phúc đức không được tốt, chịu cảnh mồ côi, hoặc phải ở nhờ nơi người thân, hoặc lúc bé đã phải xa nhà, ly hương. Trong gia tộc, người nữ, con gái hay trắc trở về chồng con, hoặc có người cô độc, tật nguyền.
- Thái Âm, Thiên Cơ đồng cung tại Thân: Được hưởng phúc, sống lâu. Trong gia tộc có người làm nên sự nghiệp. Người nữ cuộc đời luôn luôn khá giả hơn người nam.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Điền Trạch
- Nguyệt sáng: Điền sản rất nhiều.
- Nguyệt hãm: Ít của, không có của.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Quan Lộc
- Thái Âm đơn thủ tại Dậu, Hợi: Công danh danh hiển đạt.
- Thái Âm đơn thủ tại Tuất: Có tài, công danh hiển đạt nhưng thường bị nhiều người ghen ghét hay bị bó buộc vào nhưng công việc không hợp với chí hướng.
- Thái Âm tại Mão: Công danh muộn màng, có tài ăn nói, văn chương lỗi lạc.
- Thái Âm đơn thủ tại Thìn, Tỵ: Gặp nhiều trở ngại trên đường công danh, có tài nhưng không gặp thời, công danh lận đận. Lúc thiếu thời vất vả, đến khi nhiều tuổi thì mới xứng ý toại lòng. tuy vậy, vẫn được nhiều người kính trọng có đức độ và có tài văn chương.
- Thái Âm, Thiên Đồng đồng cung tại Tý: Công danh hiển hách, có nhiều tài năng khéo léo, nghề tinh xảo, đặc biệt, thông minh, mưu trí. Là số tay trắng làm giàu, càng lớn tuổi thì càng khá giả.
- Thái Âm đồng cung với Thiên Đồng tại Ngọ: Chuyên về kỹ nghệ hay doanh thương.
- Thái Âm, Thái Dương đồng cung tại Sửu, Mùi: Công danh bất hiển vì Âm Dương hổn hợp. Nhưng nếu có Tuần, Triệt thì lại tốt.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Nô Bộc
- Nhật Nguyệt đắc địa: Tôi tớ lạm quyền, có học trò giỏi, người phò tá đắc lực.
- Nguyệt hãm địa: Tôi tớ ra vào luôn, không ở lâu bền.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Thiên Di
Nhật, Nguyệt sáng gặp Tam Hóa: Được nhiều người quý trọng tôn phục, giúp đỡ, hậu thuẫn.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Tật Ách
- Nguyệt hãm gặp sát tinh: Gặp nhiều bệnh hoạn triền miên ở mắt, thần kinh, khí huyết, kinh nguyệt.
- Nguyệt, Trì, Sát: Hay đau bụng.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Tài Bạch
- Nguyệt sáng gặp Sinh, Vượng: Rất giàu có, kiếm tiền rất dễ dàng và phong phú.
- Nguyệt sáng gặp Vũ chiếu: Giàu có lớn.
- Nguyệt Tuất, Nhật Thìn: Đại phú.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Tử Tức
- Nguyệt Thai Hỏa: Có con cầu tự mới nuôi được.
- Nhật Nguyệt Thai: Có con sinh đôi.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Phu Thê
- Nguyệt, Nhật miếu, vượng địa: Sớm có gia đình.
- Nguyệt Xương Khúc: Vợ đẹp, có học (giai nhân).
- Nguyệt, Quyền ở Thân: Sợ vợ.
Ý Nghĩa Thái Âm Ở Cung Huynh Đệ
Nhật Nguyệt giáp Thai: Có anh chị em song sinh.
Thái Âm Khi Vào Các Hạn
- Nguyệt sáng: Tài lộc dồi dào, có mua nhà, đất, ruộng vườn, gặp việc hên, sanh con.
- Nguyệt mờ: Hao tài, đau yếu (mắt, bụng, thần kinh) bị kiện vì tài sản, bị lương tâm cắn rứt, sức khỏe của mẹ, vợ bị kém.
- Nếu thêm Đà Tuế, Hổ: Nhất định mất mẹ.
- Nguyệt Đà Kỵ: Đau mắt nặng, mất của.
- Nguyệt Hỏa Linh: Đau yếu, kiện cáo.
- Nguyệt Hình: Mắt bị thương tích, phải mổ.
- Nguyệt Cự: Đàn bà sinh đẻ khó, đau đẻ lâu.